Chân dung Nhà khoa học Việt đầu tiên được trao Giải thưởng TechWomen 100
- Người viết: info@mps-asia.com lúc
- Tin công nghệ
Với những nghiên cứu và đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh từ đại học UCL (University College London) đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành Giải thưởng TechWomen 100 của Anh.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh giành giải thưởng nhờ những đóng góp trong nghiên cứu, phát triển công nghệ y sinh tiên tiến, cách mạng hóa kỹ thuật tái tạo mô và chữa lành vết thương. Cô cũng dẫn dắt nhiều dự án công nghệ sinh học quan trọng, gồm công nghệ vật liệu tái tạo xương và da. Được khởi xướng từ năm 2017, TechWomen 100 là giải thưởng đầu tiên tại Anh tôn vinh và ghi nhận những đóng góp, thành tựu xuất sắc của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ.
Giải thưởng này nhằm tìm kiếm những tài năng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo ra hệ sinh thái trong đó những phụ nữ làm công nghệ kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.
TechWomen 100 không chỉ tôn vinh những người phụ nữ làm công nghệ, mà còn hỗ trợ họ sau đó với chương trình phát triển toàn diện thông qua hoạt động đào tạo tại các trường kinh doanh và những cơ hội chia sẻ và kết nối với cộng đồng khoa học.
Tiến sĩ Vanessa Vallely – nhà sáng lập và Giám đốc điều hành tổ chức WeAreTechWomen – Trưởng ban tổ chức giải TechWomen 100 năm 2024 cho biết rất vinh dự khi Tiến sĩ Bá Linh là một trong những người thắng giải, trở thành lá cờ đầu của phụ nữ Việt Nam làm công nghệ tại Anh. Bà đánh giá cao những thành tích của Tiến sĩ Bá Linh và mong muốn có thêm nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam tham gia giải thưởng, góp phần mở rộng các đề cử toàn cầu của TechWomen 100.
Tiến sĩ Bá Linh cũng bày tỏ tự hào khi trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải TechWomen 100. Dù sống và làm việc tại Anh, nhưng cô luôn tự hào là người Việt Nam và tin rằng những nỗ lực của người Việt Nam có thể tạo sự khác biệt ở bất cứ đâu.
Tiến sĩ Bá Linh cho rằng giải thưởng không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực của cá nhân, mà còn là minh chứng cho thấy phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thành tựu trong những lĩnh vực được cho là thử thách như khoa học công nghệ.
Tiến sĩ Bá Linh, 44 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2003 và nhận bằng Tiến sĩ về y học tái tạo tại Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc).
Năm 2016, cô gia nhập Viện Kỹ thuật Y sinh, Đại học Oxford, với vai trò nghiên cứu viên sau tiến sĩ, đóng góp vào nhiều tiến bộ quan trọng trong kỹ thuật y sinh và tái tạo mô. Trong thời gian làm việc tại Oxford, Bá Linh giành giải thưởng Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ xuất sắc năm 2017 với việc phát triển công nghệ được cấp bằng sáng chế liên quan đến hạt polycaprolactone để thu hoạch tế bào gốc.
Năm 2019, Tiến sĩ Bá Linh trở thành giảng viên vật liệu sinh học tại Viện Nha khoa Eastman, Đại học UCL, giảng dạy về y học nano, ứng dụng kỹ thuật y sinh và khoa học lâm sàng, đồng thời hướng dẫn các nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
Cô nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu sinh học cho tái tạo mô, hệ thống phân phối thuốc, polymer phản ứng nhiệt cho việc mở rộng và thu hoạch tế bào gốc.
Cô đã công bố hơn 50 bài báo khoa học được bình duyệt, hai chương sách, và hai bằng sáng chế, và là biên tập viên của một số tạp chí khoa học uy tín như tạp chí Ứng dụng vật liệu sinh học, Kỹ thuật sinh học…
Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Bá Linh sáng lập SmileScaff – công ty chuyên phát triển các công nghệ tiên tiến đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương và tái tạo mô.
Cô giữ chức vụ Chủ tịch Vietnam Young Academy từ năm 2021-2023 và tham gia cố vấn cho các nhà khoa học trẻ, các start-up công nghệ thông qua Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland.
Theo Sở hữu trí tuệ