Các tập đoàn lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi kép
- Người viết: info@mps-asia.com lúc
- Tin công nghệ
DNVN – Phát biểu tại hội thảo “Tiên phong chuyển đổi “kép” vì một Việt Nam xanh hơn”, sáng ngày 12/11, ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và trong quá trình chuyển đổi “kép”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như là một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu, với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển của đất nước. Những sự chuyển đổi này không chỉ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, mà còn là chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững nền kinh tế.
Sự giao thoa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (chuyển đổi “kép”) tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ lợi ích của cả hai. Chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn cung cấp các công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong khi các hoạt động xanh có thể thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp số bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo “Tiên phong chuyển đổi “kép” vì một Việt Nam xanh hơn”, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua chuyển đổi số thực sự đang mang đến cho Việt Nam cơ hội đặc biệt để đạt được sự phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Để có được kết quả như vậy, chúng ta cũng cần có một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm. Đồng thời, doanh nhân cần tiên phong và tích cực hành động đổi mới sáng tạo, dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực.
“Giải pháp đổi mới sáng tạo đi liền với hành động tiên phong đóng vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi “kép” và phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Minh nói.
Các đại biểu tham dựhội thảo “Tiên phong chuyển đổi “kép” vì một Việt Nam xanh hơn”.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới, là lời giải cho sự phát triển nhanh và bền vững, Tổng Bí thư Tô Lâm coi chuyển đổi số là một cuộc cách sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên 4.0.
Các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) phải có trách nhiệm tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chuyển đổi AI trên toàn quốc cần đến hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số.
“Các doanh nghiệp đầu đàn về AI phải tạo ra hệ sinh thái này, vì chuyển đổi AI là chuyển đối cho hàng triệu doanh nghiệp, hàng trăm ngàn hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó có cả 5 triệu hộ kinh doanh, 27 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học và còn là cho 100 triệu người Việt Nam”, ông Hùng cho biết.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng chuyển đổi “kép”. Theo đó, báo cáo chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi “kép”.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh.
Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại hội thảo.
Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%). Phân tích từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chuyển đổi số chính động lực thúc quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi “kép”.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi “kép”, ông Việt Anh khuyến nghị chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau, đều dựa trên một nền tảng quan trọng là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đích đến của chuyển đổi “kép” lấy con người là trung tâm, do vậy, cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.
Đồng thời, việc triển khai chuyển đổi “kép” cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
“Việc triển khai chuyển đổi “kép” cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.
Các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi này”, ông Việt Anh nhấn mạnh.